Thực tế trên thị trường chứng khoán đã cho thấy, rất nhiều doanh nghiệp đã lao đao và cổ phiếu lao dốc vì các chiêu trò "cổ cánh" của các vị lãnh đạo mê đầu tư chứng khoán. Chỉ khi lãnh đạo tâm huyết với Doanh nghiệp thì Doanh nghiệp mới có thể phát triển bền vững.
|
ảnh minh họa |
Trong 5 tiêu chí lựa chọn cổ phiếu của nhà đầu tư huyền thoại Warrent Buffet, ngoài các tiêu chí về tăng trưởng lợi nhuận, tỷ suất sinh lời, nợ vay và mô hình kinh doanh, có một tiêu chí về lãnh đạo doanh nghiệp.
Theo Warrent Buffet, Ban lãnh đạo của doanh nghiệp chính là linh hồn của doanh nghiệp. Một Doanh nghiệp chỉ có thể mạnh, phát triển bền vững khi lãnh đạo doanh nghiệp có trình độ chuyên môn, tâm huyết với ngành nghề, cam kết và nỗ lực phát triển Doanh nghiệp lâu dài, bền vững, mọi quyết định đều đảm bảo cam kết vì lợi ích của cổ đông.
Câu chuyện của Gỗ Trường Thành trong tuần qua làm dấy lên những bài học cũ về trường hợp của CTCP Thiết bị Y tế Việt Nhật (JVC), CTCP Tập đoàn Đại Dương (OGC) khi đang từ những doanh nghiệp được “hâm mộ”, sau khi lãnh đạo gặp biến cố đã “lòi” ra những khoản lỗ nghìn tỷ, hay Tổng công ty xây lắp dầu khí (PVX) dưới thời của vị lãnh đạo Trịnh Xuân Thanh (với lý lịch đang đầy tai tiếng) đã lỗ khủng khiếp như thế nào…
|
ảnh minh họa |
Trước những bài học đó, tiêu chí lựa chọn lãnh đạo khi lựa chọn cổ phiếu càng trở nên quan trọng. Nhưng tiêu chí này thực sự khó xác định, nhất là khi đa số nhà đầu tư trên thị trường không có điều kiện được tiếp xúc trực tiếp với chủ doanh nghiệp.
Theo kinh nghiệm của nhiều nhà đầu tư, có một số dấu hiệu để xác định tâm huyết của lãnh đạo đối với doanh nghiệp. Ví dụ, lãnh đạo làm việc vì doanh nghiệp sẽ nắm giữ lượng lớn cổ phiếu của công ty; Thực hiện các biện pháp tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp; Chú trọng vào các mục tiêu phát triển dài hạn; Khi xảy ra sai lầm sẵn sàng chịu trách nhiệm và chấp nhận sai lầm.
Ngoài ra, những lãnh đạo tâm huyết thường nhận mức lương cơ bản tương đối thấp nhưng treo tiền thưởng cao để tạo động lực làm việc.
Ngược lại, những dấu hiệu sau cho thấy Ban lãnh đạo của doanh nghiệp sẽ coi trọng lợi ích bản thân hơn lợi ích của doanh nghiệp, đó là không nắm giữ cổ phiếu của công ty, nhận mức lương cao, không chú trọng các mục tiêu dài hạn, thậm chí có thể cắt các chi phí nghiên cứu, phát triển, quảng cáo để đẩy lợi nhuận ngắn hạn tăng trưởng mạnh (đánh bóng doanh nghiệp, cổ phiếu trong ngắn hạn) nhưng sẽ giảm lợi thế cạnh tranh trong dài hạn.
|
ảnh minh họa |
Các lãnh đạo này sẽ tìm cách che giấu chi phí, che giấu các khoản lỗ, báo cáo tài chính được kiểm toán bởi các công ty kiểm toán “gần như vô danh”.Những chiêu trò này đều nhằm đẩy lợi nhuận ngắn hạn lên cao hòng thu hút nhà đầu tư.
Đặc biệt, nhiều chuyên gia phân tích – những người có điều kiện tiếp xúc với doanh nghiệp và lãnh đạo doanh nghiệp đã chia sẻ rằng, tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp tốt là có lãnh đạo chỉ tập trung vào hoạt động kinh doanh chính, không thích đầu tư tài chính, đầu tư chứng khoán.
“Những lãnh đạo thích chơi chứng khoán có thể lợi dụng chính doanh nghiệp mình để làm giá cổ phiếu, làm lợi cho bản thân nhưng gây thiệt hại nặng cho các nhà đầu tư khác. Những lãnh đạo điều hành doanh nghiệp “thích” đầu tư tài chính đôi khi tạo ra những giao dịch lòng vòng tạo lãi ảo cho doanh nghiệp trong ngắn hạn và không có lợi cho sự phát triển dài hạn của doanh nghiệp. Chúng tôi gọi vui là các lãnh đạo “mafia” và không ưa thích những cổ phiếu như vậy.” – Một giám đốc phân tích chia sẻ.