Những năm gần đây, Myanmar (Miến Điện) đã bắt đầu "mở cửa" đón nhận đầu tư nước ngoài sau khi được nới lỏng cấm vận một thời gian dài từ các nước phương Tây.
Vì vậy, du lịch đến Myanmar sẽ khám phá được nét cổ kính với những di tích tôn giáo mang tính chất vĩ đại về quy mô và tinh tế về kiến trúc ... trước khi nét hiện đại có thể lấn áp trong tương lai. Tiêu biểu là chùa vàng Shwedagon ở Yangon, chùa Núi Vàng Kyaikhtiyo kì diệu ở cố đô Bago, hay quần thể 1000 đền chùa hoành tráng ở Bagan.
Ngoài ra, du lịch Myanmar còn thu hút khách nước ngoài bởi cảnh thiên nhiên hoang sơ, bình yên của hồ Inle, bãi biển Ngapali hay những tập tục độc đáo như bộ tộc người cao cổ Pa-O hay tục bôi kem Thanaka. Với các thuận lợi này, tuy chỉ mới mở cửa nhưng nền du lịch Myanmar đang phát triển với tốc độ nhanh chóng.
Chùa Shwedagon ở Yangon
Di chuyển trong nội địa Myanmar:
Ngoài đường hàng không là an toàn và thoải mái nhất, bạn cũng có thể di chuyển giữa các tỉnh thành của Myanmar bằng xe bus. Nhớ đem theo áo ấm vì có những chuyến xe bus chạy ban đêm, không khí trong xe rất lạnh. Taxi là phương tiện di chuyển tiện lợi trong các thành phố. Trong khi đó, hệ thống xe lửa xuống cấp và đường phố chưa phát triển đầy đủ khiến cho các phương tiện xe lửa và xe máy không phù hợp cho khách du lịch thông thường.
MANDALAY VÀ KHU VỰC LÂN CẬN
Tượng phật đính lá vàng trong chùa Mahamuni
Mandalay: thành phố lớn thứ hai ở Myanmar sau Yangon, và là một trong những điểm đến và điểm trung chuyển phổ biến nhất với khách du lịch Myanmar. Các điểm tham quan bao gồm: tu viện Shwenandaw làm bằng gỗ, chùa Kuthodaw Paya với quyển sách lớn nhất thế giới, đồi Mandalay, Cung điện Hoàng gia, chùa Mahamuni với tượng Phật đính lá bằng vàng thật, cầu U-bein – cây cầu gỗ dài nhất thế giới và tu viện ở Amarapura.
Shwenandaw
Mingun (Min Kun): Ngôi làng nằm về phía bắc của Mandalay. Mingun nổi tiếng với khách du lịch Myanmar nhờ các di vật và di tích sau: quả chuông Mingun – một trong những quả chuông nặng nhất và lớn nhất trên thế giới, bảo tháp Mingun Pahtodawgyi và ngôi chùa trắng Hsinbyume / Myatheindan với đôi tượng Chinthe.
Pyin oo Lwin: về phía đông của Mandalay là thị trấn Pyin oo Lwin nằm trên đồi cao hơn 1000 mét so với mặt nước biển là điểm đến khá khác biệt của du lịch Myanmar. Một số điểm tham quan đáng chú ý tại đây là Vườn Quốc Gia Kandawgyi, Tháp Đồng Hồ Purcell theo kiểu tháp Big Ben ở Luân Đôn, thác Anisakan, thác Pwe Kauk và hang Pyeik Chin Miang.
Hsinbyume
Mrauk-U: thành phố khảo cổ quan trọng nằm gần biên giới phía tây của Myanmar. Marauk-U là trung tâm đền chùa lớn thứ hai của du lịch Myanmar, chỉ sau Bagan. Đền chùa ở đây được xây bằng gạch đá, không giống như các ngôi đền xây bằng gạch bùn và đất sét ở Bagan. Các đền chùa tiêu biểu là Shite-thaung, Htukkanthein, Koe-thaung, Andaw-thein, Lemyethna, Ratana và cụm chùa Ngũ Nhân. Trong đó hoành tráng nhất và có ý nghĩa khảo cổ nhất là chùa Shite-thaung.
Shite-thaung
Sagaing: thành phố nằm bên bờ sông Ayeyarwady, cách Mandalay 20 km về phía Tây Nam. Sagaing sở hữu nhiều tu viện và đền chùa nên thích hợp là địa điểm hành hương của du lịch Myanmar. Trong số các công trình ở Sagaing, tu viện hình vòm thếp vàng Kaung Hmu Daw hoàn toàn khác biệt so với các kiến trúc hình tháp nhọn.
Kaung-Hmu-Daw
Inn Wa (Inhwa – Inwa): nằm ở phía nam Mandalay, từng là thủ đô cũ của các vương triều Myanmar từ thế kỷ 14 đến 19. Các điểm tham quan nổi bật là tu viện Bagaya Kyaung bằng gỗ và tháp nghiêng Nanmyin.
Bagan: trung tâm đền chùa nổi tiếng nhất của du lịch Myanmar, từng là thủ đô của vương quốc Bagan hùng mạnh. Với hơn 2.000 đền chùa còn lại đến ngày nay trong tổng số 10.000 kiến trúc tôn giáo thời xưa, Bagan là điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách. Các đền chùa tiêu biểu nhất của Bagan là chùa vàng Shwezigon, đền Ananda với 4 tượng Phật vàng ở 4 hướng, đền Thatbyinnyu – đền cao nhất ở Bagan, đền Shwegugyi và chùa Shwesandaw – nơi lưu giữ xá lợi tóc của Đức Phật.
Shwezigon
Thatbyinnyu
KHU VỰC NẰM GIỮA TUYẾN ĐƯỜNG MANDALAY – YANGON
Hồ Inle
Hồ Inle – thị trấn Nyaung Shwe: Hồ Inle hay còn gọi là Biển Hồ, nằm ở thị trấn Nyaung Shwe, là một trong những địa danh được biết đến nhiều nhất của du lịch Myanmar. Ngoài khung cảnh tuyệt vời của hồ Inle, bạn còn có thể đến thăm trang trại nho và sản xuất rượu Red Mountain, làng người cao cổ Pa-O và chùa Phaung Daw Oo với 5 bức tượng Phật dán đầy lá vàng ròng.
Nay Pyi Taw (Naypyidaw): thủ đô của Myanmar. Tại đây bạn có thể thấy các công trình dành cho Nhà nước Myanmar, tiêu biểu là tòa nhà Quốc hội hoành tráng. Ngoài ra còn có 3 bức tượng khổng lồ của các vị vua Anawrahta, Bayinnaung và Alaungpaya U Aung Zeya, cùng với chùa hòa bình Uppatasanti, nơi lưu giữ xá lợi răng của Đức Phật.
Pyay: thị trấn nằm trên bờ sông Ayeyarwady, với các điểm tham quan chính là chùa hoàng hôn Shwesandaw và chùa cổ Bawbawgyi.
Uppatasanti
KHU VỰC YANGON VÀ MIỀN NAM MYANMAR
Yangon: thành phố lớn nhất Myanmar, cũng là điểm đến phổ biến của khách du lịch Myanmar. Ở Myanmar cũng tập trung dày đặc các điểm tham quan như chùa Shwedagon, chùa Sule, trang trại cá sấu Thaketa, chợ Bogyoke Aung San, chợ Mingalar, khu phố Tây đường 19th Street, chùa Botataung, nhờ thờ Saint Mary’s Cathedral, nhà thờ Holy Trinity Cathedral, chùa Mailamu, tu viện Do Thái Musmeah Yeshua Synagogue, Vườn Mahabadoola, hồ Inya và hồ Kandawgyi. Trong đó chùa Shwedagon là điểm tham quan quan trọng nhất: đây là nơi lưu giữ bốn báu vật Phật giáo gồm gậy của Kakusandha, lọc nước của Konagamana, áo của Kassapa, và 8 sợi tóc của Đức Phật.
Ngapali
Các bãi biển ở vịnh Bengal: du lịch Myanmar chỉ mới phát triển nhưng các bãi biển hoang sơ ở đất nước này đã bắt đầu thu hút sự chú ý của những du khách yêu biển. Các bãi biển nổi tiếng nhất là Ngapali, Ngwe Saung, Chaungtha và Kanthaya. Bãi biển Ngapali được đánh giá cao nhất bởi dòng nước xanh trong và bãi cát trắng mịn.
Bago: từng là thủ đô của vương triều Taungoo, Bago còn lưu giữ khá nhiều di tích, bao gồm: tượng Phật nằm Shwethalyaung Buddha, chùa Hoàng Thần Shwemawdaw – chùa cao nhất Myanmar, chùa Kyaik Pun có tượng Phật ngồi 4 phía, Cung điện Kanbawzathadi Palace của vương triều Taungoo, cùng một loạt các đền chùa khác như Maha Kalyani, Mahazedi, Shwegugale và chùa Rắn Snake Pagoda. Đặc biệt, từ Bago bạn có thể viếng thăm địa điểm trứ danh của du lịch Myanmar: chùa Kyaikhtiyo / Kyaiktiyo hay chùa Núi Vàng Golden Rock chênh vênh trên đỉnh đồi Kyaiktiyo.
Mawlamyine: thành phố lớn thứ tư của Myanmar. Điểm tham quan đáng chú ý nhất mà Mawlamyine này đóng góp cho du lịch Myanmar là chùa Nwa Le Bo / Nwa La Bo nằm trên ba phiến đá chênh vênh. Ngôi chùa này thường được so sánh với chùa Núi Vàng Kyaikhtiyo, mặc dù thu hút ít du khách hơn.
Chùa Núi Vàng Kyaiktiyo
Các món ăn tiêu biểu bạn nên thưởng thức khi du lịch Myanmar:
1. Salad lá trà (lephet / laphet)
Lá trà lên men có thể ăn như món tráng miệng, hoặc cũng có thể được chế biến cho món salad lá trà. Lá trà chua và hơi đắng được trộn với cải bắp, cà chua, đậu rang, ớt và tỏi. Món này ăn riêng hoặc ăn với cơm đều ngon. Salad lá trà xanh
2. Cơm Shan (nga htamin)
Nga Hatamin có nghĩa là cơm cá, món ăn của người dân tộc Shan này bao gồm cơm nấu với nghệ, sau đó nén dẹt, rắc ruốc cá nước ngọt và rưới dầu tỏi lên trên. Món này ăn cùng rễ tỏi tây, tỏi sống và da heo chiên giòn, tạo nên mùi vị cay nồng đặc trưng.3. Cà ri Myanmar (Burmese curry)
Đối với món này, bạn có thể chọn loại cà ri làm từ thịt bò, cá, tôm, thịt heo hay thịt cừu. Đi cùng với cà ri là vô số món ăn kèm như cơm, salad, rau xào, súp, rau sống và rau luộc, ăn với hàng loạt loại nước chấm khác nhau.
Burmese curry |
4. Món ăn ở quán trà Myanmar
Các quán trà Myanmar không chỉ là nơi uống trà, mà còn là nơi khám phá ẩm thực của các dân tộc tại đất nước này. Quán trà của các dân tộc Myanmar có các món mỳ hoặc cơm Myanmar, trong đó có món htamin thoke, một loại salad gạo. Trong khi đó, quán của người Ấn / người đạo Hồi phục vụ các món mang ảnh hưởng của Nam Á như các loại snack chiên giòn samosas và poori (bánh mì chiên giòn ăn với cà ri khoai tây) hoặc bánh mì nướng nanbya (naan). Quán của người Hoa thì nổi bật nhất là các món nướng ngọt hoặc các loại sủi cảo, há cảo thường thấy trong phong cách ăn dim sum.
5. Snack ngọt Myanmar
Không giống món ngọt của phương Tây, các món ngọt của Myanmar, gọi chung là “moun”, được ăn như một món snack ăn vặt chứ không phải như món tráng miệng. Moun không ngọt nhờ đường mà nhờ các nguyên liệu tự nhiên như dừa nạo, nước cốt dừa, bột gạo, gạo nếp, trân châu và trái cây. Một số món moun tiêu biểu là has nwin ma kin (bánh bột hòn với nước cốt dừa, bơ sữa trâu và nho khô), bein moun và moun pyit thalet (bánh pancake kiểu Myanmar).
6. Mỳ đậu phụ Shan
Một trong những món độc đáo nhất ở Myanmar là món hto-hpu nwe, nghĩa là “đậu phụ ấm”. Tên gọi là vậy nhưng món này không có đậu phụ mà chỉ có cháo đặc làm từ đậu gà chickpeas.Mỳ đậu phụ Shan |
7. Mỳ khô Nangyi Thoke
Nangyi Thoke bao gồm mỳ sợi tròn dày cùng với thịt gà, chả cả thái mỏng, giá trụng và vài lát trứng luộc. Các nguyên liệu được ướp với bột đậu gà nướng, nghệ và dầu ớt, trộn đều và ăn với rau và nước súp. Nangyi Thoke
8. Mohinga
Món ăn mang tinh túy quốc gia của Myanmar là Mohinga – mỳ gạo sợi tròn ăn chung với cá và nước súp hành, thỉnh thoảng có thêm ruột giòn của cây chuối. Bạn cũng có thể thêm trứng luộc, rau chiên giòn akyaw, đậu lăng chiên giòn, nước chanh và ớt khô.
Mohinga |
9. Mỳ Shan
Mỳ của dân tộc Shan làm từ gạo, sợi dẹt và mỏng, được nhúng vào nước súp tiêu, ăn cùng với thịt gà hoặc thịt heo. Món này cũng có phiên bản mỳ khô.Mỳ Shan |