✪✪✪ VietNetNews868 ✪✪✪ Chào Mừng Các Bạn! Chúc Các Bạn Một Ngày Mới Vui Vẻ - Hạnh Phúc - Tràn Đầy Năng Lượng!✪✪✪ VietNetNews868 ✪✪✪ Chào Mừng Các Bạn! Chúc Các Bạn Một Ngày Mới Vui Vẻ - Hạnh Phúc - Tràn Đầy Năng Lượng!✪✪✪ VietNetNews868 ✪✪✪ Chào Mừng Các Bạn! Chúc Các Bạn Một Ngày Mới Vui Vẻ - Hạnh Phúc - Tràn Đầy Năng Lượng!

Wednesday, May 24, 2017

“Ma lực” của chứng khoán phái sinh: Cùng một tình huống, tỷ suất sinh lời của hợp đồng tương lai gấp 7 lần cổ phiếu

Tuy nhiên, trong trường hợp bị lỗ thì khoản lỗ của hợp đồng tương lai chỉ số cũng cao gấp nhiều lần khi mua cổ phiếu.

Lợi thế đòn bẩy là một đặc điểm khác biệt của Chứng khoán phái sinh đối với các chứng khoán cơ sở. Về cơ bản, khi tham gia giao dịch Hợp đồng tương lai, nhà đầu tư chỉ phải bỏ ra một khoản tiền (Ký quỹ) có giá trị nhỏ hơn giá trị của hợp đồng mà nhà đầu tư muốn tham gia (giá trị hợp đồng).
Ví dụ: NĐT có nhu cầu tham gia vị thế mua 01 HĐTL trên chỉ số HNX30 đáo hạn vào tháng 5/2016. NĐT đặt lệnh mua 01 hợp đồng với giá chào mua là 103 điểm và được khớp trên thị trường với giá trên. Như vậy, nhà đầu tư đã được Trung tâm thanh toán bù trừ (TTTTBT) ghi nhận là đã tham gia 01 vị thế mua với giá 103 điểm.
Nếu tại mẫu hợp đồng tương lai chỉ số HNX30 quy định: Hệ số nhân của 01 hợp đồng là 1 triệu đồng/điểm chỉ số thì giá trị 01 hợp đồng của NĐT trên bằng:
103 điểm x 1 triệu đồng/điểm chỉ số = 103 triệu đồng.
Tuy nhiên, nếu mức ký quỹ ban đầu được quy định là 15% thì thay vì việc phải bỏ ra 103 triệu, NĐT chỉ phải bỏ ra số tiền và/hoặc tài sản có giá trị = 103 triệu *15% = 15,45 triệu đồng để tham gia hợp đồng.
Số tiền ký quỹ ban đầu này sẽ được TTTTBT sử dụng trong việc tính toán lãi/lỗ của NĐT. Ví dụ: khi giá HĐTL tăng từ 103 lên 105 điểm, NĐT đang có lãi với giá trị bằng: (105-103)*1 triệu đồng/điểm chỉ số = 2 triệu đồng.
Giá trị ký quỹ của nhà đầu tư sẽ tăng: 15,45 triệu + 2 triệu = 17,45 triệu đồng.
Nếu như giao dịch tại thị trường cơ sở thì phần trăm lãi của NĐT trên số tiền ban đầu bỏ ra sẽ chỉ bằng: (105-103)/103*100%=1,94%.
Tuy nhiên, đối với HĐTL thì phần trăm lãi của NĐT sẽ bằng: (105-103)/15,45*100%= 12,95%.
Như vậy có thể thấy, một biến động nhỏ về giá của HĐTL có thể tạo ra hiệu ứng lãi/lỗ trên khoản đầu tư lớn hơn nhiều so với việc đầu tư vào các chứng khoán cơ sở.
Tuy nhiên, đây là trường hợp NĐT có lãi. Lợi thế đòn bẩy được coi là con dao 2 lưỡi với nhà đầu tư. Khi giá của HĐTL biến động theo chiều hướng có lợi (ví dụ: Giá HĐ tăng đối với NĐT nắm vị thế mua và giá HĐ giảm đối với NĐT nắm vị thế bán), thì NĐT có thể ghi nhận một khoản lãi lớn trên giá trị ký quỹ ban đầu. Nhưng ngược lại, khi giá HĐ biến động theo chiều hướng bất lợi, NĐT có thể sẽ phải chịu những khoản thiệt hại lớn trên khoản ký quỹ trong thời gian ngắn.
Cũng ví dụ trên nếu giá HĐTL giảm từ 103 xuống 100, thì nhà đầu tư A lỗ: (103-100)*1 triệu đồng= 3 triệu đồng.
Giá trị ký quỹ giảm còn 12,45 triệu đồng, tương ứng mất(3/15,45=19,4%)
Trong khi khoản lỗ trên thị trường cơ sở chỉ là 2,9%.

Thursday, December 8, 2016

Nguy cơ giao dịch nội gián trên Thị trường chứng khoán phái sinh

Vui và hay hơn rất nhiều
Ước mơ về sự ra đời TTCK phái sinh ở Việt Nam của nhiều người sắp trở thành hiện thực, nhưng kinh nghiệm của một số thị trường trong khu vực khiến người viết vừa mừng, vừa lo với bước ngoặt mới này.
Ở mặt lạc quan, tương tự như sản phẩm cho vay ký quỹ (margin), chứng khoán phái sinh dù ở dạng hợp đồng tương lai hay chứng quyền có bảo đảm (Covered Warrant) đều góp một phần quan trọng trong việc gia tăng tính thanh khoản và hấp dẫn cho TTCK.
Nhà đầu tư, cả tổ chức và cá nhân, có nhiều cơ hội để “vẫy vùng” hơn. Nhiều chiến lược giao dịch kết hợp tài sản cơ sở với chứng khoán phái sinh, hoặc kinh doanh chênh lệch giá có cơ hội được thực hiện và những kỹ thuật chỉ áp dụng với thị trường nước ngoài nay có thể đem về Việt Nam cho giới đầu tư “cọ xát” và kiếm tiền.
Trao đổi với một số người bạn đã từng làm việc ở nước ngoài và nay quay về thị trường Việt Nam, người viết cảm nhận được sự hào hứng về một sân chơi mới này.
Số liệu giao dịch từ các thị trường như Đài Loan, Trung Quốc hay Thái Lan cho thấy tính hấp dẫn của thị trường phái sinh với nhà đầu tư chứng khoán khi được triển khai. Nói đơn giản, hoạt động “lướt sóng” sẽ vui và hay hơn rất nhiều khi có phái sinh, nhất là khi thị trường còn giới hạn về bán khống. 
Cơ quan quản lý có thể phải chuẩn bị… “nước lạnh”
Tuy nhiên, đặc tính hấp dẫn của chứng khoán phái sinh cũng là điểm nguy hiểm tiềm tàng của nó, khi đây là một công cụ sử dụng đòn bẩy cao và đòi hỏi vốn bỏ ra ban đầu thấp. Tính khuếch đại thu nhập và lời lỗ của chứng khoán phái sinh có thể cao hơn sử dụng cho vay ký quỹ nhiều lần, tùy theo độ “mở” của nhà quản lý và tính sáng tạo của người dùng công cụ.
Sự tồn tại của chứng khoán phái sinh và margin trên thị trường mở ra cơ hội cho những phương thức lách những công cụ quản lý về đòn bẩy một cách tinh vi nhất.
Mặt khác, khi chứng khoán tăng điểm mạnh thì giao dịch trên thị trường phái sinh cũng trở nên phấn khích quá mức, dẫn đến tình trạng “bong bóng”. Trung Quốc đã phải gánh chịu nhiều hậu quả từ những đợt bong bóng chứng quyền giai đoạn 2005 - 2008.
Trong giai đoạn này, cổ phiếu Trung Quốc tăng điểm mạnh, giá những sản phẩm phái sinh như chứng quyền cũng bứt phá ra khỏi các nguyên tắc cơ bản.
Một nghiên cứu của Trường đại học New York chỉ ra rằng, trong giai đoạn 2005 - 2008, có những chứng quyền chắc chắn lỗ nhưng vẫn tăng giá không ngừng và giá thị trường của chúng cao hơn hàng trăm lần so với kết quả mà công thức định giá chứng khoán phái sinh đưa ra.
Bài học từ Trung Quốc là bong bóng của thị trường phái sinh có thể được bơm lên cấp số nhân so với bong bóng của thị trường cổ phiếu cơ sở. Điều nguy hiểm là nhiều người chạy theo quả bong bóng đó mà không có kiến thức về chứng khoán phái sinh, với hy vọng rằng sẽ kiếm được tiền trước khi bong bóng vỡ. Tình trạng tương tự đã từng xảy ra ở Việt Nam khi chỉ số VN-Index tăng lên hơn 1.000 điểm hay những đợt tăng giá nhờ margin trước đây.
Đòn bẩy tài chính và bong bóng là hai khái niệm không thể tách rời với sản phẩm phái sinh. Mặc dù vậy, không thể vì thế mà không triển khai sản phẩm này. Vấn đề là cơ quan quản lý cần giám sát chặt chẽ hoạt động giao dịch phái sinh, đặc biệt là của những định chế đầu tư nhận tiền ủy thác của nhà đầu tư để giao dịch phái sinh và các công ty chứng khoán.
Nếu công ty chứng khoán bị cuốn vào dòng xoáy mua bán chứng khoán phái sinh bằng tiền của mình và thua lỗ quá nặng thì cần phải đảm bảo những sự cố đó không tạo ra những ảnh hưởng có tính hệ thống đến thị trường (như khiến nhà đầu tư bị mất tiền vì công ty chứng khoán vỡ nợ hoặc thị trường mất thanh khoản). Để làm được điều đó, yêu cầu áp dụng những chuẩn mực khắt khe lên an toàn vốn và tự doanh phái sinh của công ty chứng khoán phải đặt lên hàng đầu.
Ở một khía cạnh khác, sự tồn tại và phát triển của thị trường chứng khoán phái sinh mở ra một kênh để các công ty chứng khoán gia tăng việc cho vay ký quỹ dưới dạng các công cụ phái sinh phức tạp nhằm “lách” các quy định về margin. Việc này đã từng xảy ra ở nhiều thị trường như Mỹ, Trung Quốc (ví dụ, công ty chứng khoán hàng đầu của Trung Quốc là Citic Securitites sử dụng các sản phẩm hoán đổi cổ phiếu để lách quy định cho vay ký quỹ bị phanh phui năm 2015).
Nhìn chung, sự phát triển của thị trường chứng khoán phái sinh sẽ kéo theo những giao dịch lách luật ngày càng tinh vi để “kéo khách” và đẩy mạnh tài trợ vốn cho đánh cược trên TTCK. “Quy luật” này đã được kiểm chứng tại nhiều thị trường từ Mỹ đến Trung Quốc và khó có thể thay đổi ở thị trường Việt Nam.
Vấn đề sẽ chỉ ở chỗ cân bằng giữa trình độ phát triển của thị trường, nhu cầu “thu hút khách” đến TTCK và an toàn hệ thống. Cân bằng những yếu tố này là cực kỳ khó khăn, nhất là khi thị trường đang hưng phấn mà cơ quan quản lý phải đóng vai trò người “tạt nước lạnh” kịp lúc. 
Cần tăng nguồn lực quản lý để hạn chế nguy cơ giao dịch nội gián
Một trong những băn khoăn lớn nhất của người viết nằm ở vấn đề nguồn lực để vận hành cũng như kiểm soát thị trường chứng khoán phái sinh (trọng tâm là nguồn nhân lực và công nghệ) và nguy cơ giao dịch nội gián.
Với một thị trường hấp dẫn và phức tạp hơn đang hình thành, nhóm các công ty chứng khoán và quỹ đầu tư chắc chắn đang tích cực chuẩn bị nguồn nhân lực và công nghệ để tham gia cuộc chơi mới, ra sản phẩm mới. Với nguồn lực tư nhân, họ hoàn toàn có thể lôi kéo nhân tài từ bên ngoài về và đầu tư những công nghệ tốt nhất. Câu hỏi đặt ra, cơ quan quản lý làm thế nào có đủ nguồn lực để giám sát các tay chơi ngày càng thông minh sẽ gia nhập thị trường?
Đây không chỉ là câu hỏi cho thị trường Việt Nam mà còn cho hầu hết các nước khác. Cho đến bây giờ, một sự thật là ở hầu hết các nước, cơ quan quản lý thị trường chứng khoán không có đủ nguồn lực để chạy đua với các tổ chức kinh doanh. Thực tế, từ Mỹ tới Trung Quốc, các tổ chức kinh doanh luôn đi trước một bước và giao dịch nội gián là một trong những mảng tối hết sức phức tạp.
Sự phát triển của thị trường chứng khoán phái sinh mở ra cơ hội cho những giao dịch nội gián dưới hình thức mua bán sản phẩm phái sinh. Làm thế nào để kiểm soát giao dịch chứng quyền của cổ đông lớn và cổ đông nội bộ của một công ty niêm yết sẽ khó hơn nhiều lần so với thị trường cổ phiếu cơ sở. Và tìm kiếm bằng chứng của những giao dịch phức tạp kết hợp giao dịch cổ phiếu và chứng quyền để hưởng lợi từ thông tin nội gián cũng sẽ phức tạp và tốn nhiều thời gian hơn. Tại Việt Nam, khuôn khổ pháp lý và nguồn lực quản lý đã sẵn sàng cho chuyện này?
Tuy còn nhiều băn khoăn với những câu hỏi khi thị trường chứng khoán phái sinh đi vào hoạt động, nhưng người viết vẫn tin rằng, đây là một trang mới quan trọng của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Sẽ có nhiều câu chuyện về sự thành công của nhà đầu tư, những đợt sóng mới, có thể là cả bong bóng và những vụ giao dịch nội gián, nhưng chúng đều góp phần giúp cơ quan quản lý và các thành viên thị trường gia tăng hiểu biết để hội nhập tốt hơn.
Vì thế, thay vì chỉ dám đứng xa để nhìn một sản phẩm công nghệ hiện đại, Việt Nam đang đứng trước một giai đoạn thực sự sử dụng nó. Nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và thận trọng trong khi sử dụng chứng khoán phái sinh, sẽ tận dụng được các cơ hội, hạn chế được rủi ro.
Bài viết được đăng tải trên Đặc san 20 năm ngành chứng khoán, ấn phẩm do Báo Đầu tư xuất bản, tháng 11/2016.
Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh

Monday, October 24, 2016

Khung pháp lý của thị trường chứng khoán phái sinh

Bài viết dưới đây sẽ có cái nhìn khái quát về khung pháp lý của thị trường chứng khoán phái sinh ở Việt Nam hiện nay.


Những năm gần đây thị trường chứng khoán Việt Nam biến động khá thất thường, một trong những giải pháp đưa ra là sử dụng các công cụ tài chính phái sinh giúp đáp ứng nhu cầu phòng ngừa rủi ro ngày càng cao của các nhà đầu tư. Nghị định 42/2015/NĐ-CP của Chính phủ về việc phát triển Thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam góp phần giải quyết những nhu cầu từ thực tiễn, giúp thị trường chứng khoán phát triển ngày càng vững mạnh.

Nhu cầu từ thực tiễn

Tại Việt Nam, các công cụ phái sinh có nguồn gốc từ tiền tệ, hàng hóa đã được sử dụng từ nhiều năm nay. Về phái sinh hàng hóa, trung tâm giao dịch cà phê Buôn Mê Thuột đã được thành lập năm 2006 với chức năng chính là tổ chức việc mua bán các loại cà phê sản xuất tại Việt Nam theo phương thức giao ngay và giao sau (giao dịch kỳ hạn). Đến nay thì việc sử dụng các công cụ phái sinh tiền tệ đã được mở rộng cho nhiều ngân hàng thương mại trong nước và nước ngoài, với đa dạng các công cụ như: hoán đổi, quyền chọn, các sản phẩm kỳ hạn…
Về lĩnh vực chứng khoán, thị trường cổ phiếu dù đã được 12 năm nhưng thực tế mới chỉ phát triển trong 5 – 6 năm trở lại đây. Trên thị trường, một số công cụ phái sinh đơn giản cũng bước đầu được sử dụng không chính thống (như quyền mua chứng khoán, hợp đồng quyền chọn, hợp đồng kỳ hạn…) trong giai đoạn thị trường tăng trưởng nhanh 2007 – 2008 với vai trò một công cụ đầu tư mới nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư sinh lợi là chủ yếu. Chỉ khi thị trường rơi vào giai đoạn suy giảm sâu và kéo dài do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, khủng hoảng nợ công châu Âu 2011, các sản phẩm phái sinh lại được sử dụng lại nhiều hơn trong vai trò một công cụ phòng vệ rủi ro hiệu quả. Tuy nhiên, do khung pháp lý hiện hành (Luật Chứng khoán và nghị định hướng dẫn) chưa có quy định cụ thể nên việc giao dịch các chứng khoán phái sinh bị coi là trái các quy định của pháp luật.
Dù vậy, thực tiễn đã chứng minh một điều là nhu cầu giao dịch các chứng khoán phái sinh là có thực. Sau quá trình 12 năm hình thành và phát triển, bên cạnh các “sản phẩm truyền thống” như cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ… đã đến lúc thị trường cần mở rộng thêm các sản phẩm mới, đa dạng hơn, hấp dẫn hơn như các chứng khoán phái sinh.

Khung pháp lý của thị trường chứng khoán phái sinh

Khung pháp lý cho TTCK phái sinh hoạt động, vừa chính thức định hình khi Chính phủ ban hành Nghị định 42/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2015, không chỉ giải quyết nhiều vấn đề đặt ra trong thực tiễn, mà còn giúp TTCK phát triển theo chiều sâu.
Theo đó, khi triển khai TTCK phái sinh, trước mắt sẽ đưa vào giao dịch các chứng khoán phái sinh đã được chuẩn hóa để niêm yết, các sản phẩm đơn giản, dễ sử dụng với mục đích phòng ngừa rủi ro là chính như: hợp đồng tương lai chỉ số, dùng để phòng ngừa rủi ro cho danh mục cổ phiếu; hợp đồng tương lai trái phiếu, dùng để phòng ngừa rủi ro cho danh mục trái phiếu. Việc triển khai các chứng khoán phái sinh niêm yết khác dựa trên chứng khoán, sẽ được Bộ Tài chính hướng dẫn theo lộ trình tại Đề án phát triển TTCK phái sinh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kèm theo Quyết định 366/2014/QĐ-TTg ngày 11/3/2014. Để tạo sự linh hoạt trong phát triển các sản phẩm mới cho TTCK phái sinh theo nguyên tắc thận trọng, Nghị định về TTCK phái sinh xác định rõ nguyên tắc: Tùy thuộc vào trình độ phát triển của TTCK, cũng như nhu cầu của nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định việc triển khai các sản phẩm mới, dựa trên các tài sản cơ sở khác phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo thông lệ quốc tế, trên TTCK phái sinh tập trung do Sở Giao dịch chứng khoán đứng ra tổ chức có 3 loại sản phẩm phái sinh chủ yếu được giao dịch gồm: hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn và một số hợp đồng kỳ hạn trên trái phiếu chính phủ và tín phiếu kho bạc nhà nước. Trên TTCK phái sinh phi tập trung (thị trường OTC) cũng có 3 loại phái sinh chủ yếu là: hợp đồng quyền chọn không niêm yết, hợp đồng kỳ hạn và hợp đồng hoán đổi.
Nếu như TTCK cơ sở (thị trường hiện tại) giúp nhà đầu tư kiếm lợi nhuận, thì với chức năng chính là phòng ngừa rủi ro, TTCK phái sinh chủ yếu sẽ hỗ trợ nhà đầu tư bảo vệ những lợi nhuận đã kiếm được. Các chứng khoán phái sinh, tuy được sử dụng để phòng ngừa rủi ro, nhưng bản thân chúng lại tiềm ẩn rủi ro nếu nhà đầu tư không quản lý tốt các hoạt động đầu tư. Do đó, để giảm thiểu rủi ro, các thành viên tham gia thị trường, nhất là các đơn vị trung gian cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho thị trường như công ty chứng khoán, phải đáp ứng các chuẩn rất cao về vốn, công nghệ, quản trị rủi ro, đội ngũ nhân sự…
Theo Quyết định 366/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì hết năm 2015 sẽ tập trung xây dựng khung pháp lý, hoàn thiện hạ tầng công nghệ giao dịch, thanh toán bù trừ chứng khoán phái sinh… để giai đoạn 2016-2020 đưa TTCK phái sinh vào vận hành. Để đưa TTCK phái sinh vào vận hành, một khối lượng công việc rất lớn đang đặt ra: xây dựng hệ thống công nghệ giao dịch, thanh toán, bù trừ, đến đào tạo nhân sự, xây dựng hệ thống quy trình, quy chế, đảm bảo vận hành TTCK phái sinh hiệu quả trong thời gian tới. Là thị trường đi sau, yêu cầu rất quan trọng đặt ra đối với tổ chức vận hành TTCK phái sinh tại Việt Nam là không lặp lại những bài học thất bại trong quản lý TTCK phái sinh đã từng xảy ra ở các quốc gia.

Tiềm năng và thách thức cho sự phát triển thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam

Thực tiễn cho thấy, giao dịch phái sinh hàng hóa và tiền tệ tại Việt Nam đã ra đời từ lâu và có những bước phát triển nhất định. Đã cho thấy nhu cầu của nhà đầu tư và sự ra đời của TTCK phái sinh chính thức là thiết yếu đối với sự phát triển chung của TTCK.
Quy mô TTCK Việt Nam hiện còn khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực và thế giới. So với giá trị vốn hóa toàn thế giới, thị trường Việt Nam chỉ tương đương 0,09%. Quy mô thị trường vốn so với nền kinh tế của Việt Nam cũng nằm trong nhóm thấp nhất, với tỷ số thị trường vốn so với GDP đạt 33,7%. Với quy mô nhỏ bé, sự quan tâm và tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài còn khá hạn chế. Theo thống kê, giá trị giao dịch của nhà đầu tư tổ chức trong 12 tháng qua chiếm khoảng 14,5% tổng giá trị giao dịch toàn thị trường.
Ngoài những thách thức về việc xây dựng hành lang pháp lý và cơ sở hạ tầng cho tổ chức và hoạt động của TTCK phái sinh, vấn đề về thanh khoản cũng là một thách thức lớn khi thị trường chính thức được vận hành. Đối với một TTCK có quy mô còn nhỏ bé và mức độ tham gia của các nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước còn khá khiêm tốn, việc thu hút được các nhà đầu tư tham gia trong giai đoạn đầu sẽ là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của TTCK phái sinh.

Cover warrant: Làm gì để kiếm được tiền trong thị trường giá xuống? (Bài 4)


1. Giao dịch CW – Sân chơi mới cho nhà đầu tư thích rủi ro

Như đã đề cập, chứng quyền là sản phẩm có có tính đòn bẩy cùng khả năng sinh lời cao hơn so với cổ phiếu thông thường, hứa hẹn tạo ra thị trường hấp dẫn cho các nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao. Tuy nhiên, như một tính chất luôn song hành, sản phẩm có tính đòn bẩy cao đồng thời là sản phẩm ẩn chứa nhiều rủi ro. Vì vậy, chứng quyền không phải là sản phẩm phù hợp với tất cả các loại hình nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro thấp.

Các lợi điểm của đầu tư chứng quyền

Sự xuất hiện của chứng quyền giao dịch trên thị trường sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư thêm một lựa chọn đầu tư với chi phí thấp so với cổ phiếu trong khi vẫn có thể tối ưu hóa lợi nhuận thu được từ biến động giá của chứng khoán cơ sở. Hiệu ứng đòn bẩy có thể mang lại cho nhà đầu tư một tỷ lệ lợi nhuận trên vốn đầu tư (ROI) lớn hơn, trong khi mức phí tổn do lỗ vốn được khống chế tối đa bằng mức chi phí đầu tư ban đầu (phí mua chứng quyền).
Ví dụ: Cổ phiếu BBB đang được giao dịch trên HOSE với giá 120.000 VNĐ/cổ phiếu. Cùng lúc có chứng quyền mua BBBC0918 giao dịch trên thị trường với giá 11.000VNĐ/chứng quyền. Chứng quyền BBC0918 kiểu Châu Âu, cung cấp quyền mua cổ phiếu BBB tại mức giá 140.000VNĐ/cổ phiếu, ngày đáo hạn 30/09/2018.
Nhà đầu tư A đầu tư mua 1000 cổ phiếu BBB. Tổng giá trị đầu tư = 1000 x 120.000 = 120 triệu VNĐ.
Nhà đầu tư B đầu tư mua 1000 chứng quyền BBBC0918, tổng giá trị đầu tư = 1000 x 11.000 = 11 triệu VNĐ.
Giả sử tại ngày đáo hạn (30/9/2018) giá của cổ phiếu BBB là 160.000 VNĐ/cổ phiếu. Theo đó:
Nhà đầu A có mức sinh lời = 1000 x (160.000 – 120.000) = 40 triệu VNĐ. Tỉ suất sinh lời = 40 triệu/ 120triệu = 33,33%.
Nhà đầu tư B có mức sinh lời = 1000 x (160.000 – 140.000) – 11 triệu = 9 triệu VNĐ. Tỉ suất sinh lời = 9 triệu/ 11 triệu = 81,82%.
Bên cạnh lợi điểm từ bản chất của chứng quyền trong việc hạn chế mức lỗ tối đa, chi phí đầu tư thấp hơn so với đầu tư vào cổ phiếu, CW được ưa chuộng nhờ có đặc điểm lai giữa cổ phiếu và phái sinh, vừa được giao dịch như một loại cổ phiếu vừa là công cụ phòng vệ rủi ro cho nhà đầu tư trước những biến động của TTCK.
Ngoài ra chứng quyền còn có những lợi thế ưu đãi của sản phẩm mới trên thị trường. Theo Thông tư 107/2016/TT-BTC ngày 29/06/2016 Hướng dẫn chào bán và giao dịch chứng quyền có bảo đảm, chứng quyền được cung cấp thanh khoản bởi tổ chức tạo lập thị trường. Theo đó, thanh khoản của chứng quyền được cải thiện đáng kể do sự chủ động của tổ chức tạo lập thị trường trong việc đặt lệnh và nghĩa vụ của tổ chức tạo lập thị trường trong điều kiện chỉ có lệnh một chiều, khoảng cách giữa lệnh mua và lệnh bán quá chênh lệch…
Đồng thời, nhà đầu tư còn có thể hưởng lợi thế của việc giảm phí giao dịch mà các công ty chứng khoán, chính sách pháp luật đối với sản phẩm mới trên thị trường.

Các rủi ro đi kèm

Bên cạnh sức hấp dẫn được tạo ra bởi yếu tố đòn bẩy, nhà đầu tư cần hiểu được các rủi ro đi kèm trong giao dịch chứng quyền đồng thời xác định được khẩu vị rủi ro của bản thân trước khi quyết định đầu tư.
Do tính chất đòn bẩy của chứng quyền, sự thay đổi của giá chứng khoán cơ sở tác động lên chứng quyền ở một tỉ lệ % lớn hơn. Nói cách khác, chứng quyền sẽ nhạy cảm hơn đối với các thông tin tốt, xấu của chứng khoán cơ sở và theo đó, mức sinh lời, rủi ro đối với chứng quyền cũng cao hơn.
Mặt khác, như đã đề cập ở bài trước, vì phương thức giao dịch CW hoàn toàn giống cổ phiếu nên nhà đầu tư nhiều lúc bỏ quên đặc tính sản phẩm là có vòng đời giới hạn. Thời gian tồn tại của CW do tổ chức phát hành quy định trước và công bố thông tin theo mỗi đợt phát hành. Thông thường thời gian tồn tại của CW là ngắn hạn từ 3 tháng đến 24 tháng (tối đa là 5 năm nhưng thời hạn này hiếm khi được phát hành). Sau thời hạn này, CW sẽ không được giao dịch hay thực hiện quyền nữa.
Với ví dụ trên, giả sử tại ngày đáo hạn (30/9/2018) giá của cổ phiếu BBB là 110.000 VNĐ/cổ phiếu. Theo đó, chứng quyền được xác định ở vị thế OTM, Nhà đầu tư B có mức lỗ chính bằng khoản đầu tư (11 triệu VNĐ).
Mặc dù khả năng thua lỗ xấu nhất đã được xác định tối đa bằng chi phí bỏ ra ban đầu để mua chứng quyền, việc mất toàn bộ số tiền đã đầu tư vẫn có thể là điều mới lạ đối với đa số các nhà đầu tư không chuyên tại Việt Nam vốn chỉ quen với việc đầu tư vào cổ phiếu, loại chứng khoán không có thời hạn và có quyền tự quyết đối với ngày chốt lời, cắt lỗ.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng cần lưu ý đến rủi ro phát sinh khi nhà phát hành bị phá sản hoặc gặp khó khăn về tài chính dẫn đến không thể thực hiện nghĩa vụ thanh toán cho nhà đầu tư khi CW đến hạn. Chính vì vậy, trước khi mua CW, nhà đầu tư phải tìm hiểu kỹ về tình trạng tài chính của nhà phát hành và không nên giao dịch CW khi còn nghi ngờ về năng lực tài chính của họ.

2. Những điều lưu ý khác khi đầu tư CW

Ba trạng thái đầu tư của CW

Tương tự như quyền chọn, có ba trạng thái quan trọng của CW mà nhà đầu tư cần chú ý. Bởi vì nó không chỉ ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị của một CW. Ba trạng thái đó bao gồm: ITM (in-the-money), ATM (atthe-money), OTM (out-of the-money). Cách xác định ba trạng thái này là khác nhau đối với chứng quyền mua hoặc chứng quyền bán.
* Đối với chứng quyền mua: Vào thời điểm đáo hạn hay trong bất cứ thời điểm nào khi CW còn hiệu lực, nếu giá chứng khoán cơ sở lớn hơn giá thực hiện (S>X), ta gọi CW mua đang ở trạng thái lời (ITM); nếu giá chứng khoán cơ sở nhỏ hơn giá thực hiện (S
* Đối với chứng quyền bán: Vào thời điểm đáo hạn hay trong bất cứ thời điểm nào khi CW còn giá trị, nếu giá chứng khoán cơ sở lớn hơn giá thực hiện (S>X), ta gọi CW bán đang ở trạng thái lỗ (OTM); nếu giá chứng khoán cơ sở nhỏ hơn giá thực hiện (S

Giá trị của chứng quyền

Một trong những yếu tố quan trọng đối với nhà đầu tư khi tham gia đầu tư và giao dịch chứng quyền là phải hiểu được “giá CW” (premium) được xác định như thế nào.
Đầu tiên, cần xác định rằng:
Giá trị CW (premium) = Giá trị nội tại + Giá trị thời gian.
Chúng ta sẽ cùng nhau làm rõ hơn về hai thành tố này: giá trị nội tại và giá trị thời gian như sau.
Trước tiên, Giá trị nội tại: Tức là giá trị tự bản thân của CW có, không bị mất đi theo thời gian. Giá trị này chỉ bị ảnh hưởng khi giá chứng khoán cơ sở thay đổi, và với các CW nào ở trạng thái (ITM) thì mới có giá trị nội tại. Tại các trạng thái OTM và ATM, CW không có giá trị nội tại mà chỉ có giá trị về thời gian.
Giá trị thời gian: Tức là giá trị từ lúc CW được phát hành cho đến khi CW đáo hạn. Điều đó có nghĩa là tất cả CW đều có giá trị thời gian bất kể trạng thái ITM, ATM hay OTM. Càng gần thời điểm đáo hạn, giá trị thời gian của CW sẽ giảm đi và trở về 0 khi CW đáo hạn.

Định giá CW

Khi được giao dịch trên thị trườn thứ cấp, bên cạnh tác động của cung – cầu CW trên thị trường, giá của CW còn chịu tác động bởi các yếu tố đặc thù như:
- Giá của chứng khoán cơ sở: Đây là tham chiếu để xác định giá trị nội tại của CW.
- Thời gian đến khi đáo hạn, có nghĩa khoảng thời gian từ thời điểm xác định giá đến ngày đáo hạn của chứng quyền. Khoản thời gian càng dài thì CW càng có giá trị (thời gian) cao.
- Độ biến động của chứng khoán cơ sở: Độ biến động càng cao thì giá CW sẽ càng cao.
- Giá thực hiện (exercise price).
- Lãi suất phi rủi ro.
- Cổ tức.
Các yếu tố trên là các biến đầu vào của các mô hình định giá CW, được sử dụng tương tự như mô hình định giá quyền chọn: mô hình Black-Scholes hoặc mô hình nhị phân (binomial-model). Trong các nhân tố trên, độ biến động của chứng khoán cơ sở và lãi suất phi rủi ro là hai nhân tố quan trọng nhất và khó xác định nhất, phụ thuộc vào kinh nghiệm của nhà đầu tư và công ty chứng khoán trên thị trường.

3. Phân biệt CW với một số sản phẩm chứng khoán khác

Cùng với chứng quyền có bảo đảm, quyền chọn (option) và chứng quyền công ty (traditional/equity warrant) là những sản phẩm có một số đặc điểm tương đồng nhưng về bản chất đây là những sản phẩm khác nhau. Vậy, giữa các sản phẩm này có những điểm chung gì? Làm sao để phân biệt được các sản phẩm này trên thị trường chứng khoán?
Có thể nói điểm chung dễ thấy nhất đối với cả 03 sản phẩm trên là người sở hữu sẽ có quyền (mà không phải nghĩa vụ) được mua cổ phiếu cơ sở với mức giá được xác định trước tại một thời điểm đã được ấn định. Vậy, giữa chúng khác nhau như thế nào? Làm sao để phân biệt? Chúng ta sẽ xem xét những yếu tố chính dưới đây.
 Tổ chức phát hành: nếu như quyền chọn cổ phiếu là sản phẩm được Sở Giao dịch Chứng khoán thiết kế với các điều khoản được chuẩn hóa thì chứng quyền có bảo đảm chỉ được phát hành bởi các tổ chức tài chính (mà thường là các công ty chứng khoán), trong khi đó chứng quyền công ty là sản phẩm thường được các công ty niêm yết phát hành và thường được phát hành kèm theo việc phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu ưu đãi. Bên cạnh đó, khi phát hành các sản phẩm, Sở Giao dịch không thu bất cứ khoản phí nào cho việc thiết kế và niêm yết quyền chọn cổ phiếu, trong khi đó tổ chức phát hành chứng quyền được khoản tiền từ việc bán CW.
 Tài sản cơ sở: Tài sản dùng làm cơ sở cho cả quyền chọn và chứng quyền có bảo đảm bao gồm nhiều loại như: cổ phiếu đơn lẻ, chỉ số chứng khoán, ETF, tiền tệ,... hay các loại hàng hóa khác. Trong khi đó, tài sản cơ sở cho chứng quyền công ty chỉ là cổ phiếu phổ thông của chính công ty đó.
 Giá thực hiện: Cả quyền chọn cổ phiếu và chứng quyền có bảo đảm đều có thể có nhiều mức giá thực hiện tùy thuộc vào từng điều kiện đã được xác lập trước đó cho mỗi đợt phát hành còn chứng quyền công ty chỉ có một mức giá thực hiện.
 Vị thế giao dịch: Khi niêm yết, đối với quyền chọn cổ phiếu nhà đầu tư có thể bán quyền chọn khi không sở hữu những quyền chọn này còn đối với chứng quyền có bảo đảm hay chứng quyền công ty, nhà đầu tư chỉ được bán chứng quyền có bảo đảm khi đã sở hữu nó.
 Điều khoản của sản phẩm: Điều khoản của quyền chọn cổ phiếu được các Sở Giao dịch Chứng khoán thiết kế dựa trên những điều khoản đã được chuẩn hóa về cấu trúc, quy mô, điều khoản về thực hiện quyền và chuyển giao tài sản cơ sở, trong khi đó đối với chứng quyền có bảo đảm và chứng quyền công ty, những điều khoản của sản phẩm sẽ do tổ chức phát hành (Công ty chứng khoán hay công ty) quy định, và những điều khoản này có thể sẽ khác nhau đối với từng sản phẩm mà họ phát hành.
 Chuyển giao tài sản khi thực hiện quyền: Quyền chọn cổ phiếu là hợp đồng giữa một bên là những cá nhân hay tổ chức tài chính sẵn sàng mua cổ phiếu với một bên là những cá nhân hay tổ chức tài chính cũng sẵn sàng bán cổ phiếu tại một mức giá cụ thể. Vì vậy, khi thực hiện quyền việc chuyển giao tài sản sẽ được thực hiện bởi các nhà đầu tư.
Đối với Chứng quyền có bảo đảm, do tổ chức phát hành là các tổ chức tài chính (công ty chứng khoán) nên việc chuyển giao tài sản khi thực hiện quyền được thực hiện bởi công ty chứng khoán với những người sở hữu chứng quyền có bảo đảm.
Đối với chứng quyền công ty, khi đến hạn, những người sở hữu chứng quyền muốn thực hiện quyền sẽ yêu cầu công ty phát hành thêm cổ phiếu mới và việc chuyển giao tài sản sẽ được thực hiện bởi công ty phát hành với nhà đầu tư. Một điểm khác biệt nữa giữa các sản phẩm này đó chính là khi thực hiện quyền bằng chuyển giao tài sản cơ sở, quyền chọn cổ phiếu và chứng quyền có bảo đảm không làm gia tăng vốn đối với tổ chức phát hành tài sản cơ sở, ngược lại vốn của tổ chức phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư sở hữu chứng quyền công ty sẽ gia tăng.
Sự phát triển của thị trường và sự ra đời của các sản phẩm mới cho phép nhà đầu tư có nhiều lựa chọn công cụ đầu tư mà chứng quyền có bảo đảm cũng không là ngoại lệ.
Nhà đầu tư cần trang bị cho mình kiến thức tốt về sản phẩm, nắm bắt xu hướng thị trường đồng thời xác định được khẩu vị rủi ro của bản thân, từ đó tìm ra được các chiến lược đầu tư phù hợp nhất đối sản phẩm đầy hấp dẫn này.

Thị trường chờ đợi gì khi cover warrants đi vào hoạt động? (Bài 3)

Bài 1: Chứng quyền có bảo đảm – Sản phẩm mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Bài 2: Thị trường chứng quyền trên thế giới - Ngược dòng lịch sử

Triển khai và phát triển đa dạng các loại chứng khoán là một hoạt động tất yếu trong quá trình phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK), nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của nhà đầu tư và phản ánh mức độ phát triển sâu rộng của thị trường trong xu thế hội nhập quốc tế. Với hơn 16 năm phát triển cùng những mốc thời gian thăng trầm của thị trường, sản phẩm chứng quyền có bảo đảm (cover warrants - CW) đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ mang lại những tín hiệu đáng mừng cho TTCK Việt Nam.


Đối với nhà đầu tư, CW sẽ cung cấp thêm một công cụ phòng ngừa rủi ro cũng như là gia tăng lựa chọn về sản phẩm đầu tư với khoản chi phí thấp hơn so với cổ phiếu truyền thống hay chứng chỉ quỹ. Nhà đầu tư có cơ hội tìm kiếm lợi nhuận từ loại hàng hóa có tính đòn bẩy cao này bằng việc áp dụng linh hoạt nhiều chiến lược đầu tư theo ý muốn như đầu tư, đầu cơ, phòng vệ vị thế và quản lý danh mục đầu tư. Với một TTCK Việt Nam non trẻ với sự tham gia của hơn 99% nhà đầu tư cá nhân, việc đưa những sản phẩm cấu trúc cao cấp đến với thị trường thực sự là một vấn đề còn nhiều trăn trở đối với cơ quan quản lý. Tuy nhiên, CW với lợi thế chi phí đầu tư thấp và được giao dịch đơn giản tương tự như cổ phiếu sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận và tham gia thị trường, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư không chuyên trên thị trường.

Đối với các công ty chứng khoán, việc tham gia phát hành CW sẽ tạo điều kiện để mở rộng hoạt động kinh doanh và gia tăng doanh thu cho chính mình như: nghiệp vụ phát hành sản phẩm đầu tư, môi giới với nhiều nguồn khách hàng tiềm năng trong và ngoài nước. Quy định về tổ chức phát hành phải thực hiện tạo lập thị trường cho CW của chính mình cũng là bước chuẩn bị hiệu quả để các CTCK có thể tích lũy kinh nghiệm để trở thành các tổ chức tạo lập thị trường cho phái sinh cũng như thị trường cổ phiếu tại Việt Nam trong tương lai.

CW ra đời tại Việt Nam hứa hẹn sẽ tạo một bước nhảy vọt trong quá trình tái cấu trúc và cải thiện chất lượng hoạt động của các CTCK nói chung. Để có thể phát hành sản phẩm thành công, tổ chức phát hành CW phải tăng cường củng cố và phát triển đội ngũ nhân sự có chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm cũng như đẩy mạnh đầu tư cho hệ thống, cơ sở vật chất, công nghệ hiện đại nhằm tạo lợi thế khi thực hiện được các nghiệp vụ đặc thù như phòng ngừa rủi ro (hedging) và tạo lập thị trường cho sản phẩm. Hơn nữa, khi CW đi vào hoạt động và đón nhận được những tín hiệu tốt và sự hưởng ứng của các nhà đầu tư, các CTCK chưa đủ điều kiện sẽ cố gắng để có thể đủ tiêu chuẩn phát hành.

Điều này góp phần cải thiện mặt bằng chung về năng lực và chất lượng cung cấp dịch vụ của các tổ chức trung gian trên TTCK. Bên cạnh đó, việc ra đời sản phẩm này cũng góp phần thu hút sự gia nhập và cạnh tranh của những CTCK có vốn nước ngoài có kinh nghiệm hơn về CW và chứng khoán phái sinh.

Thị trường CW được triển khai sẽ góp phần hoàn thiện cấu trúc TTCK nói chung vốn chỉ đang giao dịch với các sản phẩm cơ bản là cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ.

Đặc biệt, sản phẩm chứng quyền bán (put warrant) được giao dịch trên thị trường sẽ xóa tan các định kiến về TTCK Việt Nam vốn được đánh giá là thị trường giao dịch một chiều. Khi giá cổ phiếu tăng nhà đầu tư ồ ạt mua vào, khi giá cổ phiếu giảm nhà đầu tư bán tháo như một cách nhấn chìm giá của thị trường. CW cũng được kỳ vọng mang lại một luồng gió mới cho khối nhà đầu tư ngoại, trong việc nâng cao khả năng tìm kiếm cơ hội đầu tư đối với các công ty niêm yết có kết quả kinh doanh tốt mà nếu chỉ bằng giao dịch bằng cổ phiếu vật chất, các cổ phiếu chưa nới room ngoại là những rào cản lớn.

Theo nghiên cứu và đánh giá tại thị trường Hồng Kong và Đài Loan, việc triển khai và giao dịch CW chưa ghi nhận tác động tiêu cực nào lên thị trường cổ phiếu mà ngược lại, nó có tác động thúc đẩy giao dịch trên thị trường cổ phiếu. Chính vì vậy, phát triển thị trường CW sẽ góp phần thúc đẩy thanh khoản đồng thời từng bước giúp thị trường cổ phiếu tăng trưởng ổn định và bền vững.

Mặc dù với rất nhiều lợi thế và tiềm năng để phát triển, CW vẫn luôn tiềm ẩn những rủi ro nhất định mà các nhà đầu tư hay chính những tổ chức phát hành luôn phải đối mặt. Việc CW được phát hành bởi các công ty chứng khoán cũng là một vấn đề đòi hỏi phải chấp nhận rủi ro từ phía nhà đầu tư, bởi khi các nhà phát hành gặp khó khăn về tài chính có thể ảnh hưởng đến việc thanh toán chi trả cho nhà đầu tư. Vì vậy, để hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư, Thông tư 107/2016/TT-BTC ngày 29/06/2016 đã có những quy định thiết thực nhằm đảm bảo khả năng thanh toán của tổ chức phát hành.

Hơn nữa, thị trường CW chỉ hoạt động hiệu quả nhất khi trình độ hiểu biết của nhà đầu tư và tổ chức phát hành là ngang nhau. Vì vậy, vấn đề đào tạo nhà đầu tư là một công tác cần được chú trọng nhất và đòi hỏi rất nhiều nỗ lực trong quá trình phát triển thị trường CW trên thế giới mà Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Hoạt động này cần triển khai trên nhiều phương diện khác nhau từ các tài liệu, website, video phổ biến kiến thức đến chương trình đào tạo, tập huấn kiến thức cơ bản, tọa đàm, hội thảo để trao đổi cởi mở giữa cơ quan quản lý và các đối tượng nhà đầu tư khác nhau trên thị trường.

Thị trường chứng quyền trên thế giới – Ngược dòng lịch sử (Bài 2)

Bài 1: Chứng quyền có bảo đảm – Sản phẩm mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam


Trên thế giới, Chứng quyền có bảo đảm (Coverred Warrant - CW) được giao dịch trên nhiều Sở Giao dịch Chứng khoán (SGDCK) với các tên gọi khác nhau: tại Đức và Anh được gọi là Covered Warrant, tại Thái Lan và Hồng Kông là Derivatives Warrant, tại Singapore và Malaysia là Structured Warrant, tại Hàn Quốc là Equity-Linked Warrant. Dù tên gọi không giống nhau nhưng tựu trung lại trong hơn 25 năm qua, thị trường CW thế giới đã phát triển rất nhanh, được đánh giá là một trong những thị trường năng động nhất dành cho các nhà đầu tư cá nhân.

Các CW lần đầu tiên xuất hiện vào cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 tại Hồng Kông và Đức và sau đó từ năm 2000, CW được phát triển mạnh ở cả thị trường châu Á và châu Âu. Đặc biệt vào năm 2006, số lượng CW được phát hành và niêm yết trên SGDCK vượt ngưỡng 161 nghìn CW, tương đương 761,8 tỷ USD trên toàn thế giới. Tính đến năm 2015, theo số liệu thống kê của Liên đoàn các SGDCK Thế giới (WFE), GTGD các CW đạt 627 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2013. Trong đó, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương chiếm tới 76% tổng doanh thu giao dịch CW toàn cầu, trong đó nổi bật nhất là thị trường Hồng Kông và Đài Loan. Ngoài ra, một số thị trường khác cũng tăng trưởng rất nhanh là Australia, Thái Lan, Singapore, Malaysia.

Tại thị trường Hồng Kông


Năm 1989, CW lần đầu tiên được giới thiệu tại Thị trường Chứng khoán (TTCK) Hồng Kông và được coi như một công cụ đầu tư hiệu quả trên SGDCK Hồng Kông (HKEx). Điều này thể hiện thông qua giá trị giao dịch (GTGD) cũng như số lượng các CW tăng nhanh chóng qua các năm. Tính đến thời điểm tháng 6/2015, số lượng CW đang giao dịch trên HKEx là 5.680 chứng quyền (trong khi cuối năm 2014 là 4.936 chứng quyền), với GTGD đạt 660.695,75 triệu đô la Hồng Kông (HKD), chiếm 21% GTGD toàn thị trường trong tháng 6/2015.

Tương tự như các sản phẩm khác của thị trường, CW được giao dịch trên hệ thống khớp lệnh tự động với chu kỳ thanh toán T+2. Phí giao dịch của CW bao gồm hoa hồng môi giới, thuế giao dịch và phí giao dịch.
Hiện nay, Hồng Kông có 17 tổ chức được phép phát hành chứng quyền, trong đó có cả các công ty chứng khoán, ngân hàng và các tổ chức tài chính khác đáp ứng đủ điều kiện của HKEx. Điều đáng chú ý là các tổ chức này đều được xếp hạng tín nhiệm ở mức cao (từ BBB+ trở lên). Ngoài các điều kiện chung về khả năng tham gia cung cấp sản phẩm như năng lực, kinh nghiệm, HKEx quy định các tổ chức tài chính trừ công ty tư nhân đều có thể tham gia phát hành chứng quyền.

Bên cạnh đó, HKEx đưa ra các quy định cụ thể đối với tổ chức phát hành không cần ký quỹ trong các trường hợp: (1) Giá trị tài sản ròng từ 2 tỷ HKD trở lên ở thời điểm công bố mới nhất và đã được kiểm toán, đồng thời phải duy trì giá trị tài sản ròng tối thiểu là 2 tỷ HKD và phải có thông báo ngay khi giá trị tài sản ròng giảm xuống dười mức quy đinh; (2) Có mức xếp hạng tín nhiệm nằm trong 3 mức cao nhất của cơ quan xếp hạng tín nhiệm được công nhận bởi SGDCK; (3) Chịu sự điều tiết của Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông hoặc các quy định của nước ngoài được HKEx chấp thuận…. Các tổ chức phát hành phải là tổ chức niêm yết tại các SGDCK trước khi đưa CW lên niêm yết trên SGDCK.

Tại thị trường Đài Loan

Tháng 8/1997, Ủy ban Chứng khoán (UBCK) Đài Loan mở cửa thị trường giao dịch cho CW. Sau 10 tháng giao dịch, tính đến tháng 9/1998, mới chỉ có 11 tổ chức phát hành tham gia thị trường với 19 chứng quyền được chào bán và giao dịch, bao gồm 15 chứng quyền cổ phiếu đơn lẻ và 4 chứng quyền rổ chứng khoán. Con số này còn khá khiêm tốn so với TTCK Đài Loan lúc đó với 500 cổ phiếu đang niêm yết.
Trên thực tế, giao dịch chứng quyền ở Đài Loan bắt đầu từ năm 1994, chứng khoán cơ sở là chỉ số thị trường và rổ cổ phiếu của Đài Loan. Hầu hết các chứng quyền được đăng ký và niêm yết trên SGDCK Luxembourg, được phát hành bởi các tổ chức nước ngoài như Banker Trust, S.G.Warburg và Robert Flemming and Company… Chứng quyền lúc này chủ yếu hướng tới các nhà đầu tư nước ngoài. Một thời gian sau, nhu cầu đầu tư chứng quyền tăng cao đặt ra yêu cầu cần có thị trường giao dịch cũng như quy định pháp lý rõ ràng để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, vì thế CW được ra đời ở Đài Loan để thay thế cho các chứng quyền nước ngoài. Cũng giống như các CW ở Hồng Kông, CW của Đài Loan cũng do bên thứ ba phát hành độc lập với tổ chức phát hành tài sản cơ sở. Sở dĩ Đài Loan lựa chọn CW thay vì chứng quyền vốn cổ phần bởi 3 lý do:
Thứ nhất, các công ty ở Đài Loan có nhiều cách thức tăng vốn như phát hành cổ phiếu, chia cổ tức bằng cổ phiếu thay vì phát hành chứng quyền dựa trên vốn cổ phần. Thứ hai, hầu hết các tổ chức tài chính không có nhiều kinh nghiệm đối với Chứng khoán phái sinh. Thứ ba, hạn chế trong các quy định giao dịch cũng như phát hành chứng quyền chưa đầy đủ.
Chứng khoán cơ sở của chứng quyền cũng được UBCK Đài Loan quy định chặt chẽ về giá trị thị trường, thanh khoản và tỷ lệ sở hữu của công chúng. Theo đó, đối với cổ phiếu: Giá trị thị trường của cổ phiếu phải vượt mức 25 tỷ đô la Đài Loan (TWD) (tương đương 735 triệu USD); Cổ phiếu cơ sở phải do ít nhất 15.000 cổ đông cá nhân sở hữu. Trong đó, ít nhất 7.000 cổ đông nắm giữ từ 1.000 đến 50.000 cổ phần phải trên 20% cổ phần đang lưu hành; Tổng GTGD trong ba tháng gần nhất tối thiểu phải bằng 20% số cổ phần đang lưu hành. Đối với rổ cổ phiếu: ngoài việc các cổ phiếu trong rổ cổ phiếu phải đáp ứng các quy định trên, giá trị thị trường của các cổ phiếu riêng lẻ không được vượt quá 45% giá trị của rổ cổ phiếu. Thêm vào đó, tổng giá trị thị trường của ba cổ phiếu lớn nhất trong rổ cổ phiếu phải thấp hơn 80% giá trị của rổ cổ phiếu.
Định kỳ ba tháng, SGDCK Đài Loan (TWSE) sẽ công bố danh sách cổ phiếu được điều chỉnh.
Do vậy, các tổ chức phát hành chỉ được chào bán chứng quyền dựa trên các cổ phiếu cơ sở nằm trong danh sách này.
Tổ chức phát hành chứng quyền tại Đài Loan phải đáp ứng các điều kiện khắt khe do vai trò quan trọng của mình. Trên thực tế, mỗi tổ chức phát hành đóng vai trò như một trung tâm giao dịch chứng quyền của chính họ. Theo quy định của UBCK Đài Loan, công ty chứng khoán được phép phát hành chứng quyền với điều kiện đã được cấp phép hoạt động các nghiệp vụ môi giới, bảo lãnh phát hành và tự doanh. Bên cạnh đó, UBCK Đài Loan còn quy định mức xếp hạng tín dụng của tổ chức phát hành không được thấp hơn BBB-. Giá trị vốn hóa của tổ chức phát hành đạt tối thiểu 3 tỷ TWD (tương đương 100 triệu USD), không có lỗ lũy kế trong năm tài chính gần nhất và tổ chức phát hành phải có đề xuất về chiến lược kinh doanh.
Với những quy định khắt khe nêu trên, ở vào thời điểm năm 1997, chỉ có 16/280 Công ty chứng khoán Đài Loan đáp ứng được các quy định. Mặc dù không giới hạn việc phát hành chứng quyền bán, song Đài Loan cấm bán khống cổ phiếu, bởi vậy không thể thiết lập những chiến lược giao dịch cho chứng quyền bán.
Ngoài ra, các quy định về phát hành chứng quyền, lựa chọn tài sản cơ sở, hay giao dịch chứng quyền…. cũng được UBCK Đài Loan cũng như TWSE đưa ra cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường giao dịch chứng quyền được vận hành suôn sẻ. Theo kết quả của WFE, thị trường CW Đài Loan tính đến cuối năm 2015 vẫn giữ vững trí thứ 2 và thứ 6 Châu Á và thế giới về giá trị giao dịch (20376 triệu USD) với vòng quay thanh khoản duy trì ổn định ở mức 15%. Thị trường CW đã có những bước phát triển dài và vững chắc sau 15 năm với với 20030 CW đã phát hành trong năm 2015 (tăng 6% so với cùng kỳ 2014), đóng góp vào gần 3% giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán Đài Loan nói chung. Tính đến 5/2016, có 6958 chứng quyền mua và 2286 chứng quyền bán được niêm yết trên TWSE.
Bài 3: Thị trường chờ đợi gì khi cover warrant đi vào hoạt động
Bài 4: Cover warrant làm gì để NĐT vẫn kiếm được tiền trong thị trường giá xuống

Chứng quyền có bảo đảm – Sản phẩm mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam (Bài 1)

Thông tư số 107/2016/TT-BTC Hướng dẫn chào bán và giao dịch Chứng quyền có bảo đảm chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2017. Để nhà đầu tư có một cái nhìn đầy đủ về sản phẩm này, tôi xin trích đăng các bài viết do Sở GDCK Tp.HCM biên soạn sau đây:


Chứng quyền có bảo đảm là gì?

Chứng quyền có bảo đảm là một sản phẩm phổ biến tại nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới với các tên gọi khác nhau như Covered Warrant (Anh, Đức, Úc, Canada), Derivative warrant (Hong Kong, Thái Lan), Structured warrant (Malaysia), Call/put Warrant (Đài Loan), Equity-linked warrant (Hàn Quốc).
Tại Việt Nam, Chứng quyền có bảo đảm được định nghĩa tại Nghị định 60/2015/CP-NĐ là chứng khoán có tài sản đảm bảo do công ty chứng khoán phát hành. Nhà đầu tư sẽ trả một khoản phí (premium) để sở hữu chứng quyền và được quyền mua hoặc bán chứng khoán cơ sở cho tổ chức phát hành chứng quyền đó theo mức giá đã được xác định trước, tại hoặc trước thời điểm đã được ấn định, hoặc được nhận khoản tiền chênh lệch giữa giá thực hiện và giá chứng khoán cơ sở tại thời điểm thực hiện.
Để hiểu rõ được chứng quyền có bảo đảm, nhà đầu tư cần nắm bắt những thuật ngữ cơ bản liên quan đến sản phẩm.
1. Loại chứng quyền: có hai loại chứng quyền cơ bản:
  • Chứng quyền mua (call warrant): cho phép người sở hữu có quyền nhưng không phải là nghĩa vụ được mua một chứng khoán cơ sở với mức giá được xác định trước vào hoặc trước ngày đáo hạn.
  • Chứng quyền bán (put warrant): cho phép người sở hữu có quyền nhưng không phải là nghĩa vụ được bán một chứng khoán cơ sở với mức giá được xác định trước vào hoặc trước ngày đáo hạn.

2. Chứng khoán cơ sở: chứng quyền có bảo đảm có thể được phát hành trên nhiều chứng khoán cơ sở khác nhau như: cổ phiếu đơn lẻ, chỉ số chứng khoán, ETF.
3. Giá chứng quyền (phí chứng quyền): là số tiền mà nhà đầu tư phải trả cho tổ chức phát hành chứng quyền (người bán chứng quyền) để sở hữu chứng quyền. Khi niêm yết và giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán, giá chứng quyền chính là giá giao dịch trên thị trường và thông thường giá chứng quyền khá nhỏ so với giá trị thực của chứng khoán cơ sở.
4. Ngày đáo hạn: mỗi chứng quyền có bảo đảm đều có tuổi thọ và kết thúc vào ngày được xác định trước trong tương lai. Đây chính là ngày cuối cùng để nhà đầu tư sở hữu chứng quyền thực hiện quyền.
5. Giá thực hiện: là giá của chứng khoán cơ sở được xác định trước dùng để tính toán khi nhà đầu tư thực hiện quyền.
6. Tỷ lệ chuyển đổi: khi chứng quyền có bảo đảm được phát hành, thông thường sẽ có thông tin về tỷ lệ chuyển đổi. Tỷ lệ chuyển đổi cho biết bao nhiêu chứng quyền cần có để được một chứng khoán cơ sở, tỷ lệ chuyển đổi có thể là 1:1 hoặc 3:1 hoặc tỷ lệ nào đó tùy thuộc vào tổ chức phát hành.
7. Kiểu thực hiện quyền: giống như quyền chọn của chứng khoán phái sinh, chứng quyền có bảo đảm có thể được phát hành theo kiểu Châu Âu hay kiểu Mỹ.
  • Chứng quyền kiểu Mỹ cho phép người sở hữu thực hiện quyền vào bất kỳ thời điểm nào, trước hoặc đến khi chứng quyền đáo hạn.
  • Chứng quyền kiểu Châu Âu chỉ cho phép người sở hữu thực hiện quyền khi chứng quyền đáo hạn.

8. Quyền của người sở hữu chứng quyền: nhà đầu tư nắm giữ chứng quyền có quyền thực hiện hoặc không thực hiện quyền khi chứng quyền đáo hạn. Trường hợp nhà đầu tư không thực hiện, khoản lỗ tối đa đối với nhà đầu tư chính là khoản phí để sở hữu chứng quyền đó.
9. Nghĩa vụ của tổ chức phát hành: tổ chức phát hành có nghĩa vụ chuyển giao hoặc mua chứng khoán cơ sở hoặc thanh toán tiền mặt khi nhà đầu tư sở hữu chứng quyền có yêu cầu.

Tại sao lại gọi là Chứng quyền có bảo đảm - “Covered Warrant”?

Có khá nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi về tên gọi “Covered Warrant” mang ý nghĩa như thế nào? Thuật ngữ “Covered” phản ánh một thực tế là khi công ty chứng khoán phát hành chứng quyền có bảo đảm, họ phải thực hiện một số biện pháp nhằm đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ đối với người sở hữu chứng quyền. Theo đó, họ sẽ phải thực hiện phòng hộ rủi ro (Cover hoặc Hedge) bằng cách mua/bán chứng khoán cơ sở hoặc giao dịch các chứng khoán tương đương khác (hợp đồng tương lai, quyền chọn…) và đây cũng là nghiệp vụ bắt buộc đối với tổ chức phát hành Chứng quyền có bảo đảm tại bất cứ thị trường nào trên thế giới.
Tính chất “có bảo đảm – Covered” còn được thể hiện ở nhiều mức độ mang tính chắc chắn cao hơn, đặc biệt đối với các thị trường đang phát triển, có điểm xếp hạng tín nhiệm thấp và các thành viên thị trường còn thiếu kinh nghiệm trong công tác quản trị rủi ro. Ngoài yêu cầu phòng hộ rủi ro, tổ chức phát hành tại các thị trường này còn phải nộp thêm một khoản ký quỹ (bằng tiền hoặc chứng khoán cơ sở) tại ngân hàng lưu ký khi phát hành chứng quyền có bảo đảm. Tùy theo thị trường, giá trị khoản ký quỹ cũng biến thiên từ mức ký quỹ một phần (partial collateralised) đến mức độ đảm bảo cao nhất, ký quỹ toàn phần (fully collateralised). Theo Thông tư 107/2016, tổ chức phát hành chứng quyền tại Việt Nam phải ký quỹ bảo đảm thanh toán với giá trị tài sản bảo đảm ban đầu tối thiểu là 50% giá trị chứng quyền dự kiến chào bán.
Bên cạnh đó, khi phát hành chứng quyền có bảo đảm, tổ chức phát hành phải có Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án bảo đảm thanh toán và thực hiện các nghĩa vụ của tổ chức phát hành cũng như Điều lệ phải có điều khoản về quyền của người sở hữu chứng quyền. Vì vậy, Chứng quyền có đảm bảo còn được xem là hợp đồng giao kết giữa nhà đầu tư với tổ chức phát hành, theo đó người sở hữu chứng quyền là chủ nợ có đảm bảo một phần của tổ chức phát hanh và tổ chức phát hành có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với người sở hữu.

Chứng quyền có bảo đảm được niêm yết và giao dịch ở đâu?

Mặc dù được phát hành dựa trên một chứng khoán cơ sở khác nhưng theo thông lệ quốc tế, chứng quyền có bảo đảm được tổ chức giao dịch trên thị trường giao ngay (cash market) cùng với cổ phiếu, ETF, quyền mua, chứng quyền công ty với phương thức giao dịch hoàn toàn tương tự như cổ phiếu.
Chính vì phương thức giao dịch tương tự như cổ phiếu nên nhiều nhà đầu tư khi giao dịch chứng quyền có bảo đảm có thể bỏ qua hoặc quên bản chất của sản phẩm là sản phẩm phái sinh có ngày đáo hạn, có giá được xác định dựa trên giá của tài sản cơ sở... Do đó, khi tham gia giao dịch chứng quyền có bảo đảm nhà đầu tư cần phải trang bị kiến thức và hiểu biết về những lợi ích và rủi ro của sản phẩm này.

Là sản phẩm tài chính mang lợi ích đa chiều

Tương tự như quyền chọn, nhà đầu tư có thể sử dụng chứng quyền có bảo đảm để đưa ra nhiều chiến lược đầu tư cho mình, cũng như tiến hành các phương án phòng hộ rủi ro mà thông thường sẽ không thực hiện được nếu chỉ bằng chứng khoán cơ sở. Ví dụ như trong bối cảnh thị trường Việt Nam có xu hướng chuyển động một chiều (khi thị trường tăng giá, nhà đầu tư ào ào mua cổ phiếu; còn khi thị trường giảm giá, xu hướng bán cổ phiếu luôn lấn át), chứng quyền bán sẽ giúp bù đắp hạn chế đó, tạo điều kiện nhà đầu tư tự cân bằng và kiếm lời khi giá xuống.
Chứng quyền có bảo đảm còn là sản phẩm mang đặc tính “đòn bẩy” khá lớn; đây cũng là đặc điểm thu hút nhiều nhà đầu tư của sản phẩm. Chi phí để sở hữu chứng quyền có bảo đảm là khá thấp so với giá trị của chứng khoán cơ sở nhưng nhà đầu tư có thể nhận được khoản lợi nhuận tương đương như nắm giữ chứng khoán cơ sở đó. Đây là cơ hội mới đối với những nhà đầu tư mạo hiểm, ưa thích sử dụng đòn bẩy ngắn hạn để kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, đặc tính đòn bẩy cũng mang lại rủi ro khá lớn cho nhà đầu tư vì thông thường giá trị của chứng quyền có bảo đảm tăng hoặc giảm nhanh hơn nhiều lần so với mức tăng hoặc giảm giá trị của chứng khoán cơ sở./.
Bài 2: Thị trường chứng quyền thế giới - Ngược dòng lịch sử

Bài 3: Thị trường chờ đợi gì khi cover warrant hoạt động?
Bài 4: Làm gì để NĐT vẫn kiếm được tiền trong thị trường giá xuống?

XEM NGÀY TỐT XẤU